Tiếng Anh là phương ngữ phổ biến trên thế giới hiện nay. Đây là thứ ngôn ngữ chung được sử dụng trong giao tiếp, công việc, giao lưu quốc tế, hỗ trợ những hoạt động cộng đồng mang tầm vĩ mô, toàn cầu…Tất cả các trương đại học, cao đẳng ở nước ta đều có chương trình đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Trong đó, mỗi trường có những cách thức đào tạo khác nhau và sinh viên của mỗi trường cũng có vô số cách học ngoại ngữ khác nhau.
Sinh viên loay hoay với tiếng Anh
Ở mỗi trường, mỗi ngành học yêu cầu một loại ngoại ngữ khác nhau cho sinh viên nhưng phổ biến nhất vẫn là tiếng Anh. Sinh viên các trường đạo tạo theo cơ chế tín chỉ thì thường học riêng để được cấp chứng chỉ A, B, C hoặc Toeic 450, Toeic 550… Một số trường khác thì tiếng Anh được phân bổ luôn trong chương trình học. Ng. T.N, sinh viên năm 2 trường ĐHKHXH & NV cho biết “Tụi mình phải học tiếng Anh ở trung tâm của nhà trường, cuối năm 2 là phải nộp bằng A, năm 4 tụi mình lo bằng B, mình đang phải đi học lấy bằng đây.”
Quả thật, không ít sinh viên vẫn thường hay phát biểu rằng: “Phải đi học tiếng Anh” chứ không phải “được đi học tiếng Anh”. Dẫu biết rằng tiếng Anh rất quan trọng trong tương lai, công việc sau này nhưng theo hầu hết sinh viên thì “Tiếng Anh vẫn là nỗi ám ảnh dài dài”. L.T.H, sinh viên năm 3 trường Đại học Sư Phạm TPHCM tỏ ra lo lắng “Tớ cũng đi học tiếng Anh hết ở trường rồi đến trung tâm, cũng tốn khá nhiều học phí rồi mà vẫn chưa lấy được bằng đây này, tiếng Anh làm khổ tụi mình quá!”
Sinh viên không phải ai cũng thích học tiếng Anh, với những sinh viên học tốt tiếng Anh thì không nói làm gì, còn những bạn chưa được học tiếng Anh ở cấp phổ thông hoặc học tiếng Anh hệ ba năm thì thấy tiếng Anh thật sự khó. Nhiều sinh viên loay hoay rèn tiếng Anh mà vẫn rớt lên, rớt xuống, phải bỏ ra khá nhiều tiền cho các kì luyện thi lấy chứng chỉ. Đó là chưa kể các trường hợp không được công nhận bằng vì không hợp lệ theo yêu cầu của nhà trường, nhiều sinh viên lo lắng phải nộp bằng để tiếp tục được đămg kí học kì tiếp đã đổ xô đi học tại các trung tâm ở ngoài với số học phí phải đóng lên gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, bằng tiếng Anh kiểu “đóng tiền là được nhận bằng” đó không được nhà trường công nhận, kết quả nhiều sinh viên lại lận đận, khốn khó. Sinh viên T. N trường ĐH KHXH & NV cho hay “Thực ra, tụi mình cũng là sinh viên cuối năm ba rồi, sắp phải nộp bằng, vốn tiếng Anh lại không có, thấy mấy trung tâm chiêu sinh lấy bằng khá dễ nên tụi mình đăng kí học một khóa, học phí đắt đỏ mới lấy được tấm bằng, thế nhưng khi về nhà trường lại không công nhận, tụi mình buồn lắm, giờ mới thấy hối hận, năm nhất, năm hai thì ham chơi không chịu học”. Không chỉ trường hợp của N, nhiều anh chị năm 4 của trường ĐH KHXH & NV cũng gặp trường hợp tương tự, trong kì tốt nghiệp ra trường khóa 2006 vừa rồi có tới 60% tỉ lệ sinh viên chưa được tốt nghiệp do còn nợ môn tiếng Anh chưa lấy được bằng hoặc bằng không được công nhận.
Học tiếng Anh có đúng phương pháp?
Sinh viên ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng luôn than vãn rằng “tiếng Anh học khó” “Học tiếng Anh cần phải có năng khiếu mới học được” hay “luyện mãi mà vẫn rớt”… Liệu nguyên nhân chủ yếu phải ở đó hay chúng ta thiếu một phương pháp học tập hiệu quả? Khi nhóm sinh viên chúng tôi làm đợt nghiên cứu khoa học, phát phiếu khảo sát 100 sinh viên khoa Nhân học trường ĐH KHXH & NV (tháng 9/2010) với câu hỏi: “Bạn thường dành bao nhiêu thời gian/ngày cho việc học tiếng Anh” thì có tới 67% câu trả lời là 1h/ngày, kết quả này phần nào khẳng định cho nhận định: Liệu thời gian sinh viên bỏ ra để học ngoại ngữ là quá ít.
Nguyên nhân thường thấy ở hầu hết sinh viên là chưa chịu dành thời gian cho việc học tiếng Anh, có chăng chỉ là một phần rất nhỏ trong quỹ thời gian học tập của bản thân. Nhiều sinh viên còn tỏ ra “ngại” nên “bỏ sách vở dài dài”, H.N (sinh viên năm 2 trường ĐH Hùng Vương) tâm sự “Ở cấp ba tiếng Anh còn nằm trong chương trình chính nên tớ còn chịu học giờ lên đại học tớ cứ thấy ngại học tiếng Anh thế nào í, lâu lâu không đụng sách vở thành ra quên hết kiến thức”. Thường thì tâm lí “ngại học” sẽ kéo theo hiện tượng “lười học”, mà khi đã lười học rồi thì thường bỏ cho thời gian trôi qua một cách vô ích. Nhiều sinh viên hiện nay đang rơi vào trạng thái tâm lí này.
Ngoài ra, sinh viên khi đi học ở trường hoặc là ở trung tâm về thường “quăng sách” vào góc học tập để đó hoặc làm “cẩm nang gối đầu” khi nào đi học lại lấy ra nhét vào cặp…Cứ thế từ vựng tiếng Anh cũng chẳng được bao nhiêu trong tổng số kiến thức thầy cô cung cấp. Với phong cách học ngoại ngữ kiểu cấp 1, cấp 2 đem áp dụng nguyên si cho bậc đại học thì khó có thể học tiếng Anh hiệu quả.
Muốn học tốt tiếng Anh
Học tiếng Anh cũng như các môn học khác cần phải có phương pháp và kĩ năng. Không phải học ngày một ngày hai đã trở thành thiên tài được, nếu bạn nào có một chút năng khiếu thì càng có lợi thế nhưng học tiếng Anh không hoàn toàn phụ thuộc vào năng khiếu, kĩ năng mới là cái quyết định,
Thứ nhất, chúng ta nên mang tiếng Anh ra học ít nhất 3-4 h/ngày, nghe tiếng Anh tròng vòng 5 phút (có băng đĩa, sách kèm theo). Đặc biệt, nghe thêm bài hát tiếng Anh mỗi ngày, có thể ban đâu nghe không hiểu nhưng vẫn cố gắng tập nghe, nghe nhiều sẽ quen dần.
Thứ hai, đọc càng nhiều tài liệu càng tốt, cố gắng tìm mua và đọc những tài liệu có liên quan, chẳng hạn các loại sách như: Mạo từ trong tiếng Anh, Kĩ năng giao tiếp, Học tiếng Anh trong 5 phút/ ngày. . .Kết hợp các tài liệu để rèn luyện ba kĩ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết. Đặc biệt, xem các bộ phim nước ngoài phiên bản tiếng Anh cũng là cách rèn luyện thêm từ vựng cho bản thân.
Tạo tâm lí ép buộc mình phải học tiếng Anh cũng là một trong các cách có hiệu quả lâu dài. Nhiều sinh viên không thích hoặc ngại học tiếng Anh nhưng sau một thời gian ép bản thân vào khuôn khổ lại tỏ ra thích thú và say mê với ngoại ngữ. L.T.H, sinh viên năm 4 trường ĐH Nông Lâm nói “Ban đầu mình cũng ngán học tiếng Anh có khi còn tỏ ra sợ với bất cứ cái gì liên quan đến tiếng Anh. Thế nhưng, do quá trình học tập, được thầy cô nói nhiều về vai trò của ngoại ngữ nên mình quyết tâm lên kế hoạch “tu tiếng Anh” một năm rưỡi, giờ thì tiếng Anh giao tiếp của mình cũng kha khá (cười)”.
Học nữa, học mãi
Hiện nay, sinh viên thích giao lưu học hỏi ở bạn bè, thầy cô hoặc thông qua các tổ chức cộng đồng trong xã hội. Vì vậy, nhu cầu về ngoại ngữ của các bạn cũng ngày càng nâng cao. Học tiếng Anh không phải học trong một, hai hay ba ngày, đó là quá trình kiên trì, rèn luyện kết hợp với một phương pháp học tập khoa học, hợp lí. Điều quan trọng là sinh viên học hỏi được nhiều hơn những gì mình có trong cuộc sống nhờ ngoại ngữ.
Phương Nga
Last modified on December 9th, 2020 at 1:57 am
Nam Le
lequocnam
0 responds